Nhiều bạn khoe có 2, 3, 4 năm kinh nghiệm viết Content SEO, do đó tính phí viết bài rất cao. Nhưng theo trải nghiệm của mình thì khả năng viết tốt bài SEO không nằm ở số năm kinh nghiệm, mà ở tư duy.
Ngày hôm nay mình sẽ nói về 4 Lỗi Tư Duy Cơ Bản khi Viết Content SEO, mà nếu bạn không nắm được, thì dù bạn có viết 10 năm hay 20 năm vẫn không thể khá hơn.
Ví dụ 1
Mình thường gửi bài test cho CTV. Bạn nào chấp nhận viết, và viết tốt, mình nhận thì mình mới tính nhuận bút cho bạn đó.
Tuy nhiên trường hợp này ngoại lệ. Mình đọc bài demo bạn ấy gửi thấy cũng được, vì thế hợp tác luôn. (và với rate nhuận bút khá cao)
Kết quả:
Ngay bài đầu tiên bạn đã không đạt. Mình đã comment chi tiết lý do và cách sửa cho từng phần trong bài. Bạn ấy cũng rất nhiệt tình sửa. Còn nói thêm rằng vì bạn ấy sẽ sửa lại rất cẩn thận và trau chuốt nên sẽ mất vài ngày. Mình OK.
Tới khi nhận bản sửa thì mình nhận ra là chất lượng viết của bạn không thể tốt lên trong vài ngày. Ít nhất là theo khung tham chiếu của mình.
Vậy cụ thể bạn ấy đã mắc những lỗi tư duy gì?
Hãy đọc tiếp
4 Lỗi Tư Duy Cơ Bản Khi Viết Bài SEO
Tư duy viết thời vụ
Các bạn SEO writer thường nhận nhiều chủ đề khác nhau. Khi được giao bài thì đọc mấy bài trên top, paraphrase lại.
Đây là cách viết sai lầm và nó sẽ khiến cho bạn không bao giờ viết khá lên được.
Có thể bài viết sẽ đáp ứng chất lượng nếu người kiểm duyệt không quan tâm nhiều lắm tới chất lượng (hoặc khả năng đánh giá chất lượng bài viết còn hạn chế).
Mình biết những bạn viết tốt, mỗi bài viết kiếm được từ 500k – 1000k. Đây là con số mà nhiều bạn writer mơ ước.
Mình cũng thấy nhiều bạn khoe kinh nghiệm viết Content 3 năm, đòi rate 150k/1000 từ.
-> Sự thực là sau khi test bạn ấy xong, mình từ chối.
Đơn giản là tư duy viết bài của bạn quá kém. 3 năm kinh nghiệm không có nghĩa lý gì khi những bài bạn viết không đạt.
Những trường hợp này thì dù viết miễn phí mình cũng từ chối.
Bạn thấy đấy. Muốn kiếm tiền từ nghề viết, thì phải nghiên cứu làm sao ra chất lượng tốt nhất.
Đừng viết với tư duy thời vụ.
Không có khả năng đọc hiểu tốt
Công việc viết bài đòi hỏi khả năng đọc hiểu cực tốt.
Không phải hiểu từng từ, từng câu nghĩa là gì. Mà là hiểu người viết đang truyền tải ý gì ở trong các đoạn văn mà bạn đang đọc.
Nếu bạn không có khả năng đọc hiểu tốt, bạn sẽ rất mập mờ với những bài tham khảo trên mạng.
Từ đó, bạn không hiểu tốt những gì mình đang viết.
Tất nhiên chất lượng bài viết sẽ kém.
Các bạn đừng tưởng làm nghề viết bài là dễ dàng, chỉ cần khua môi múa bút mà kiếm được tiền, lừa được khách hàng.
Những bạn viết tốt mà kiếm được tiền, là những bạn đã nghiên cứu CÒN SÂU HƠN cả chính người đọc bài và chính khách hàng nữa kìa.
Không dễ ăn đâu 😀
Trí tưởng tượng kém
Khi đọc hiểu rồi mà bạn không tưởng tượng ra nội dung bạn đọc, thì cũng khó mà viết lại được.
Tưởng tượng ở đây không phải để đầu óc đi chơi lang thang theo kiểu nghệ sĩ. Mà là xây dựng những hình ảnh, âm thanh, bối cảnh của bài mà các bạn đang đọc trong đầu. Qua đó hiểu được toàn diện về: con người, sự vật, sự việc mà bài đọc hướng tới.
Nếu các bạn có khả năng tưởng tượng tốt, thì đó là vũ khí đắc lực trong việc viết bài. Và ngược lại.
Không đặt mình vào vị trí người đọc
Không đặt mình vào vị trí của người đọc là lỗi chí mạng nhất, khiến cho bài viết của bạn sẽ không ai thèm đọc cho dù nó có “hay”, có đúng, hay tốn công đến mức nào đi nữa.
Các bạn viết bài mà không đặt mình vào vị trí người đọc bài, thì sẽ nảy sinh rất nhiều lỗi về logic, diễn đạt. Khiến cho những gì bạn viết ra khó hiểu, và hệ luỵ là người dùng rời website. (Vì đọc vài dòng lú cái đầu, đọc bài khác cho lành)
Để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc đặt mình vào vị trí người đọc, mình sẽ kể câu chuyện của một bạn cộng tác viên viết bài khác.
Hãy dành ra 5 giây để xem ví dụ trong hình dưới.
Rồi, bạn thấy sao?
Meta description này nghe có vẻ hay. Không có gì phi logic. Câu cú diễn đạt, liên từ đầy đủ.
Nhưng tại sao mình lại nói không hay?
Nếu bạn đặt vị trí của mình vào người đọc, bạn sẽ thấy gì?
- Mô tả này cho rằng những luật trong môn thể thao này “không hề dễ như bạn tưởng”
- Đọc thêm để biết (rằng thực sự nó rất khó).
Tại sao tôi lại muốn đọc để biết rằng các luật thể thao rất khó?
What’s the point?
Tôi đang có thắc mắc về luật để có thể chơi bóng tốt hơn. Tại sao tôi cần bạn giải thích cho tôi rằng cái luật này rất khó?
Vậy, cách tiếp cận đúng cho người viết là gì?
=> Đặt mình vào vị trí người đọc.
Đặt mình vào vị trí người đọc.
Đặt mình vào vị trí người đọc.
Quan trọng phải nhắc lại 3 lần.
Tất cả những gì bạn viết, dù có hay tới đâu, dù có tốn công sức tới đâu, hay dù bạn có tìm hiểu kỹ tới đâu, đều trở nên vô nghĩa nếu bạn không đặt mình vào vị trí của người đọc.
Đây là một kỹ năng không khó, nhưng hầu hết writer đều bỏ qua, hoặc không thể thực hiện tốt.
Mình không trách bạn writer. Bạn này viết cũng khá. Chỉ là nếu các bạn để ý “niệm chú” trong lúc viết thì bài viết sẽ tốt hơn RẤT NHIỀU.
Câu thần chú để niệm là gì?
“Đặt mình vào vị trí người đọc.”
Kết
Bạn thấy đấy. Cơ hội kiếm tiền với nghề content có rất nhiều.
Nhưng hãy làm sao để người ta phải đấu giá cao hơn để được bạn viết bài, thay vì đi khè 2 – 3 năm kinh nghiệm nhưng bị người ta từ chối với rate content không quá cao.
Để làm được điều đó, hãy chỉn chu trong từng câu chữ, từng bài viết.
Chúc các bạn sớm thành công.