Tôi biết các bạn đã chán ngấy với các khái niệm SEO nhan nhản trên mạng. Vì vậy hôm nay chúng ta không bàn lý thuyết nữa. Thay vào đó, hãy nói về bản chất thực sự của công việc SEO.
Bài viết này dành tặng tất cả những bạn làm SEO xuất thân là dân viết lách content. Hãy cứ nỗ lực và thành quả sẽ đến.
Hành trình khám phá Search Engine Optimization
Khi mới tiếp xúc với SEO, chúng ta tập tành “viết bài chuẩn SEO” và cho rằng đó là tất cả.
Những khó khăn lúc đó dường như chỉ xoay quanh việc viết nội dung thỏa mãn các tiêu chí của plugin YoastSEO.
Làm một thời gian và biết nhiều hơn, ta nhận ra Search Engine Optimization là một công việc phức tạp với một mớ bòng bong các khái niệm nào là backlink, keyword, onpage, offpage.
Ta cũng hiểu rằng tối ưu website không phải việc ai cũng có thể tự làm được.
Khám phá sâu nữa, ta lại nghiên cứu các thuật toán của Google, chăm chăm chạy theo các “Bản cập nhật thuật toán xếp hạng tìm kiếm cốt lõi”. Hay hardcore hơn nữa thì đi nghiên cứu các bằng sáng chế về công nghệ xếp hạng website của Google.
Bên cạnh đó, ta cũng tìm hiểu một số khái niệm mà các SEO newbie ít biết tới: LSI, Knowledge Graph, Entity, hay dễ hiểu hơn là tiêu chí E-A-T.
Nhưng có bao giờ ta tự hỏi, bản chất thực sự của SEO là gì? Tại sao chúng ta phải vất vả chạy theo Google như thế?
Có tư duy SEO nào bền vững không? Làm sao để ta có thể lên TOP mà không phải ngày đêm thấp thỏm lo sợ bị Google phạt bay top?
Câu trả lời là có.
Tại sao Google tồn tại?
Tại sao tôi lại hỏi bạn về sự tồn tại của Google ư?
Đơn giản thôi. Nếu muốn chơi trên sân của Google mà không phụ thuộc vào nó, thì ta phải hiểu nó.
Nguyên lý cơ bản của Google thực ra rất đơn giản.
Larry Page và Sergey Brin, hai nhà đồng sáng lập Google, đã xây dựng nên một công cụ tìm kiếm với một tham vọng không tưởng:
Sắp xếp lại thông tin trên Internet.
Ngày nay, khi công ty mẹ Alphabet đã được định giá 1000 tỷ USD (một nghìn tỷ đô-la), thì công cụ tìm kiếm Google vẫn là quân bài chiến lược của hãng.
Hơn ai hết, cổ đông của Alphabet, CEO Google cùng hơn 100,000 nhân viên công ty là những người mong muốn Search Engine này phát triển nhất. Họ ngày đêm nỗ lực làm việc, nghiên cứu thuật toán, không ngừng cải thiện trải nghiệm người dùng chỉ để hướng tới duy nhất một mục tiêu:
Biến Google trở thành công cụ tìm kiếm tốt nhất thế giới.
Bạn có thể thấy tôi hơi “outdate” khi nói câu trên, vì hiện tại Google đã là số 1 rồi. Cần gì phải “biến” nữa?
Đúng. Vì thế, công việc của họ là giữ vững ngôi vương của Google bằng cách không ngừng cải tiến nó và bỏ xa các đối thủ.
Như thế nào là một công cụ tìm kiếm tốt?
Một cách ngắn gọn nhất: Cho người dùng (tức người tìm kiếm trên Google) những kết quả phù hợp và trải nghiệm tốt nhất.
- Để trả về các Kết quả phù hợp, Search Engine bắt buộc phải hiểu được ý đồ và mong muốn của người dùng khi họ thực hiện truy vấn tìm kiếm, cái này gọi là search intent. Sau khi đã hiểu rồi, phải trả về cho họ kết quả phù hợp nhất.
- Để mang lại Trải nghiệm tốt nhất, bộ máy tìm kiếm phải được thiết kế để trở nên thân thiện, dễ sử dụng, mà vẫn đầy đủ tính năng phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau.
Hai ý trên nghe thì đơn giản, nhưng thực chất thì khác xa.
Những khó khăn của việc thấu hiểu người dùng (vốn là cốt lõi của việc cải thiện chất lượng của cỗ máy tìm kiếm) lại không bắt nguồn từ máy móc, mà bắt nguồn từ chính con người.
Đôi khi con người giao tiếp với nhau còn không hiểu ý nhau. Thậm chí, có những người còn không hiểu chính bản thân mình, thì tới bao giờ máy móc, cụ thể là Search Engine, mới có thể mang lại những kết quả và trải nghiệm “tốt nhất”, “phù hợp nhất” cho mỗi người dùng?
Câu trả lời là rất rất khó.
Và Google, hay bất kỳ công ty công nghệ nào khác nếu bạn quan tâm, đều đang nỗ lực hết sức để đạt được điều đó.
Cuộc chiến “vì người dùng”
Không chỉ chiến thắng Yahoo Search, Google còn nhanh chóng vượt mặt Bing search tại nhiều thị trường.
Những gã khổng lồ như Yahoo! hay Microsoft, họ không thiếu tiền. Họ chị đơn giản là thua Google trong cuộc chiến “vì người dùng”.
Google mang lại các kết quả phù hợp hơn, giải quyết được vấn đề của user, trong khi trải nghiệm tìm kiếm liền mạch, tốc độ tải trang nhanh, sử dụng tốt ở những khu vực có băng thông internet yếu, v.v.
Tất cả những công trình “vĩ đại” trong ngành SEO của Google mà các bạn từng nghe qua như:
- Các thuật toán
- Các bản cập nhật
- Các tiêu chí xếp hạng
- Các án phạt website có nội dung xấu
- V.v.
Tất cả đều chỉ để phục vụ trải nghiệm tìm kiếm của người dùng. Và điều đó giúp Google chiến thắng Yahoo Search hay Microsoft Bing, trở thành công cụ tìm kiếm hàng đầu trên thế giới.
Đã đến lúc SEO-er thôi chạy theo Google
Nhưng đó là các ông lớn, còn chúng ta – những người sáng tạo nội dung và tranh đấu với nhau để giành một vị trí trong Top 3 Google – phải làm gì?
Nhảy vào cuộc chiến và bắt đầu phục vụ người dùng thay vì chạy theo Google.
Nếu như Google đang nỗ lực để chuyển content tới đối tượng phù hợp,
… thì điều tốt nhất bạn có thể làm, và bạn nên làm, là tạo ra content tốt nhất, phù hợp nhất, và tạo ra trải nghiệm liền mạch cho người dùng.
Đây là một mục tiêu xứng đáng để theo đuổi hơn nhiều so với việc chạy theo Google.
Tư duy không chạy theo Google mang lại lợi ích gì cho bạn?
- Thứ hạng cải thiện theo thời gian: Khi bạn theo đuổi việc tạo ra content hữu ích và cải thiện trải nghiệm người dùng, năng lực cạnh tranh top Google của bạn sẽ tăng theo thời gian, thứ hạng website theo đó cũng được hưởng lợi.
- Không sợ update từ Google: Bạn cũng sẽ có tâm lý thoải mái khi làm SEO vì không lo dính án phạt SEO; ung dung sau mỗi cập nhật thuật toán xếp hạng từ Google mà không bị giảm traffic organic vào website.
- Gia tăng hiệu quả marketing: Tư duy hướng tới người dùng web có liên kết chặt chẽ với kế hoạch MKT, bạn sẽ cảm nhận được sử cải thiện rõ rệt tỉ lệ chuyển đổi.
- Khỏe: Không phải mệt mỏi với nhiều lý thuyết SEO phức tạp.
Bước tiếp theo
Vậy, khi đã có mindset SEO để không phải phụ thuộc vào Google rồi. Thì cụ thể cần làm những gì để cải thiện thứ hạng trên SERP? Dưới đây là vài đề xuất của tôi:
- Có một kế hoạch phát triển nội dung marketing bài bản, phù hợp với đối tượng khách hàng mà bạn nhắm đến;
- Phải thật HIỂU KHÁCH HÀNG: Hiểu nhu cầu và nỗi đau của họ, khẩu vị tiêu thụ nội dung, trình độ học vấn, v.v.
- Chú ý tới search intent của người dùng, cho họ những nội dung mà họ muốn (Hoặc họ chưa từng biết là họ muốn) theo cách giao tiếp của họ. Điều này sẽ dễ dàng hơn nếu bạn hiểu khách hàng tiềm năng của mình.
- Tối ưu UI-UX cho website của bạn. Bước này thường do developer/designer đảm nhiệm vì cần nhiều kĩ năng làm sản phẩm, nhưng các bạn làm marketing cũng có thể thử sức. Hãy đặt các câu hỏi: Yếu tố này phục vụ mục đích gì? Có cần thiết không? Tốc độ tải trang đã nhanh chưa? Bản thân mình có thấy thoải mái khi vào một website như thế này không?
- Khi tạo nội dung, hãy bám chắc vào Hành trình khách hàng trong phễu Marketing để điều hướng người dùng. Đừng quên mọi nỗ lực SEO sẽ là vô ích nếu không đạt được mục tiêu marketing.
- Sau khi hoàn thành mỗi bài viết, thực hiện tối ưu SEO theo các tiêu chí onpage như thông thường (keyword, LSI, internal link, Headings, Image Attributes,…).
- Cuối cùng, hãy sử dụng mọi nỗ lực và tài nguyên bạn có để đi quảng bá bài viết. Fb Ads, Google Ads nếu là bài quan trọng, chia sẻ lên fanpage, timeline, seeding hội nhóm, v.v. Tôi không khuyến khích bạn dùng các tool kéo traffic ảo hay sử dụng các thủ thuật SEO mũ đen, trong hầu hết trường hợp thì chúng có hại nhiều hơn lợi.
Dĩ nhiên, có nhiều công việc cụ thể cần hoàn thành mà tôi chưa nhắc đến. Nhưng đây là những đầu việc chính mà bạn nhất định cần thực hiện cho tốt để không chỉ SEO lên top Google, mà còn đạt được mục tiêu tăng trưởng cho website và doanh nghiệp của mình.
Chốt lại là đừng chạy theo Google.