HomeBlogslack“Content is King” nghĩa là gì? Có nguồn gốc từ đâu và phải hiểu sao cho đúng?

“Content is King” nghĩa là gì? Có nguồn gốc từ đâu và phải hiểu sao cho đúng?

tại sao nói Content is King?

“Content is King” là một câu trích dẫn quen thuộc trong cộng đồng những người làm online marketing, SEO, hay content marketing. Nó thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của nội dung trong các chiến dịch truyền thông tiếp thị. Tuy nhiên, không nhiều người hiểu trọn vẹn ý nghĩa của câu nói này trong bối cảnh marketing kĩ thuật số ngày nay.

tại sao nói Content is King?

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa đầy đủ của câu trích dẫn “Content is King”, và tự mình đánh giá xem liệu content có còn giữ ngôi vương trong kỷ nguyên tiếp thị internet hay không?

Nguồn gốc câu trích dẫn “Content is King”

Content is King - Bill Gates, 1996

Năm 1996, tỉ phú Bill Gates – cha đẻ của gã khổng lồ công nghệ Microsoft – đã viết một bài luận nói về tương lai của internet với tiêu đề “Content is King”.

Trong đó, ông dự đoán rằng internet sẽ trở nên phổ biến trên toàn cầu. Và điều này sẽ cho phép nhiều cá nhân, tổ chức kiếm được những khoản tiền khổng lồ nhờ nội dung trên internet, tương tự cách mà nền công nghiệp phát thanh truyền hình đã kiếm bộn tiền trong quá khứ.

Nguyên văn:

Content is where I expect much of the real money will be made on the Internet, just as it was in broadcasting.

Bill Gates, 1996.
Hình ảnh bài luận của Bill Gates được đăng tải trên website Microsoft năm 1996. Ảnh: Web Archive.

Ở thời điểm bài luận của Bill Gates được đăng tải, internet mới ở giai đoạn sơ khai. Việc mở một website hay đăng tải nội dung chưa phổ biến, chỉ có một số ít công ty công nghệ lớn tại Mỹ sở hữu cho mình một trang web, như Microsoft hay Netscape. Chính vì vậy nên câu nói của Bill Gates chưa thực sự lan tỏa.

Số lượng website toàn cầu vào năm 1996 cực kỳ hiếm hoi.

Về sau, internet phát triển, những dự đoán của tỉ phú Bill Gates dần trở thành sự thật. Khi đó giới truyền thông mới quay lại phân tích, mổ xẻ và công nhận câu nói của cựu chủ tịch Microsoft. Và ngày nay chúng ta có “Content is King”.

Vậy, tại sao lại nói “Content is King”? Bạn có thực sự hiểu điều mà Bill Gates muốn truyền tải?

“Content is King” – Hiểu sao cho đúng!

Để hiểu ý nghĩa của một câu nói, cách đơn giản nhất là đi vào phân tích từng thành phần.

“Content” nghĩa là gì?

Trong bài luận, Gates cho rằng:

Khái niệm nội dung trong kỷ nguyên internet có ý nghĩa rộng hơn bao giờ hết. Không chỉ bao gồm phần mềm máy tính hay tin tức, mà cả games, chương trình giải trí và thể thao, quảng cáo cá nhân hóa, và các cộng đồng online phát triển vì lợi ích chung.

Bill Gates

Có thể thấy, định nghĩa nội dung của Bill Gates bao hàm rất nhiều hạng mục. Thậm chí ông coi phần mềm (software) cũng là một dạng thức nội dung. Nếu suy nghĩ theo chiều hướng đó, thì:

  • internet là một kênh xuất bản; và
  • tất cả những tài nguyên được chia sẻ lên internet là nội dung.

Theo đó, content bao gồm tất cả những sản phẩm trí tuệ giúp con người tăng năng suất, bồi bổ tinh thần, và giải trí – được đóng gói dưới nhiều dạng thức khác nhau và chia sẻ trên mạng internet.

Thế còn “King” thì sao?

Mặc dù là một người say mê máy tính và lập trình, không thể phủ nhận Bill Gates cũng là một doanh nhân lỗi lạc. Khi nói về tương lai của mạng internet, ông đang đề cập tới những cơ hội kiếm tiền từ nó.

Gates ví nội dung như ông hoàng của internet, đồng nghĩa với nội dung là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu khi chúng ta muốn kiếm tiền từ internet. Các công ty, cá nhân cần đầu tư công sức và chất xám để tạo ra những nội dung hữu ích và có tính tương tác cao cho người dùng internet.

Cũng trong bài luận, Gates chỉ ra rằng:

Một trong những điều thú vị về Internet là bất kỳ ai với một chiếc máy tính và một modem mạng có thể đăng tải bất kỳ nội dung gì mà họ tạo ra. Internet cũng cho phép thông tin được phân phối toàn cầu với chi phí gần như bằng không.

Nhìn vào những kênh truyền thông internet cực thịnh trên thế giới hiện tại như website, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube, TikTok,…), ta có thể thấy bộ óc lỗi lạc khai sinh ra Microsoft đã dự đoán tương đối chính xác hai điều:

  • Cách mà mạng internet trở nên phổ biến và cho phép nội dung được chia sẻ dễ dàng. (Thật vậy, đăng tải nội dung lên Facebook là miễn phí!)
  • Những khoản tiền khổng lồ đã được tạo ra nhờ nội dung trên internet. (Điển hình là các ông lớn như Google, Facebook, Amazon,…)

Qua đó, ta có thể kết luận, “Content của Bill Gates” quả thật là King!

Nội dung có còn giữ ngôi vương trong kỷ nguyên tiếp thị kĩ thuật số?

Đầu tiên, chúng ta phải thống nhất với nhau:

Khái niệm content của dân marketing KHÔNG GIỐNG với khái niệm content của Bill Gates trong bài luận năm 1996.

Nội dung trong marketing bao gồm chữ viết, hình ảnh, video, hay bất kỳ một dạng thức gì để truyền tải một thông điệp tới đối tượng của chiến dịch.

Dựa theo định nghĩa này, chúng ta sẽ phân tích chi tiết vai trò của content trong tiếp thị!

“Content is King” có đúng trong SEO?

Dưới vai trò của một người nghiên cứu và thực hành SEO một cách nghiêm túc thì mình có thể khẳng định: nội dung có giá trị rất lớn đối với website và chiến dịch SEO của bạn.

Hubspot, BacklinkO, Moz, và nhiều đơn vị thực hành SEO nổi tiếng trên thế giới khác đều đang áp dụng những chiến dịch SEO lấy nội dung làm trung tâm. Tất cả những thủ thuật tối ưu chỉ xếp thứ hai sau nội dung.

Thuật toán xếp hạng kết quả tìm kiếm trên SERP của Google đã được tích hợp công nghệ trí thông minh nhân tạo AI, khiến cho nó ngày càng thông minh và hoàn thiện hơn. Vì vậy, những thủ thuật tối ưu SEO quá đà (over-optimised) sẽ không còn giúp ích, bởi các thuật toán mới hiểu và đánh giá được mức độ hữu ích của nội dung đối với người dùng (người tìm kiếm thông tin trên Google). Điều đó giúp Google ngày càng tiệm cận tới sứ mệnh mà nó được sinh ra để phục vụ. Sứ mệnh đó là:

Sắp xếp lại thông tin của nhân loại và làm cho nó hữu ích và dễ dàng truy cập với tất cả mọi người.

Larry Page – cựu CEO Google, 2014.

Bạn có thể tham khảo hai bài viết sau đây để hiểu rõ tinh thần của Google và tại sao content đóng vai trò ngày càng quan trọng trong SEO:

Vậy, câu hỏi “Content is King có đúng trong SEO không?” mình xin dành cho bạn trả lời.

“Content is King” có đúng trong các chiến dịch quảng cáo PPC?

Về cơ bản, thì mỗi chiến dịch quảng cáo PPC (Pay Per Click) thành công đều dựa trên một nguyên lý nền tảng:

  1. Ta sản xuất ra một gói nội dung quảng bá về sản phẩm của mình. Có thể bao gồm chữ viết, ảnh, video, review,…
  2. Ta phân phối quảng cáo, đưa những nội dung đó đến người dùng.
  3. Người dùng bị thuyết phục bởi những nội dung đó và chuyển đổi (mua hàng).

Chỉ vì quảng cáo Facebook mới mẻ và trông-có-vẻ-phức-tạp khiến những người làm nội dung lúng túng, không có nghĩa là nội dung không quan trọng.

Ngược lại, các nền tảng quảng cáo luôn cố gắng cải thiện thuật toán AI để phân phối quảng cáo tốt nhất cho chúng ta!

Bạn nghĩ xem, cho dù chúng ta CÓ hay KHÔNG bán được hàng nhờ quảng cáo, thì Google và Facebook vẫn “ăn tiền” đều đều. NHƯNG nếu bán được hàng, thì chúng ta sẽ tiếp tục cúng tiền cho Google và Facebook.

Các nền tảng quảng cáo không hề muốn chúng ta đốt tiền vào quảng cáo mà không hiệu quả. Bởi khi đó ta sẽ ngừng quảng cáo, họ sẽ mất doanh thu.

Vì vậy, các nền tảng quảng cáo sẽ đầu tư công sức và tiền bạc để cải thiện khả năng phân phối quảng cáo của họ. Tương lai chúng ta – những người làm nội dung – sẽ không còn phải tối ưu quảng cáo nhiều nữa, chỉ cần sáng tạo nội dung và AI sẽ phân phối quảng cáo tới đúng đối tượng!

Vai trò của nội dung khi đó là không thể chối cãi.

Vai trò của nội dung trong marketing

Không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong SEO và các chiến dịch quảng cáo PPC, content xuất hiện khắp mọi nơi trong hành trình khám phá thương hiệu của người dùng (buyer journey):

  • Giai đoạn nhận thức thương hiệu (Awareness Stage): chúng ta có những bài viết chia sẻ kiến thức trên blog, nội dung giải trí trên Facebook, quảng cáo trả phí, những tờ rơi, banner quảng cáo,… những nội dung này thu hút khách hàng chú ý tới thương hiệu.
  • Giai đoạn tương tác với thương hiệu (Consideration Stage): từ những bài kiến thức chuyên sâu, tới những marketing email, những bài hướng dẫn, webinars, brochures, video hướng dẫn,… tất cả đều là nội dung để khách hàng có thể tương tác với thương hiệu.
  • Giai đoạn đưa ra quyết định mua hàng (Decision Stage): những tài liệu của nhân viên sale, case study khách hàng cũ, những màn pitching hay presentation căng thẳng,… những nội dung đó nếu thuyết phục sẽ giúp khách hàng đưa ra quyết định mua hàng.

Vậy theo bạn, “Content is King” có đúng trong marketing không?

“Content hết thời rồi” và “Content không phải là vua!”

Quả thực, mặc dù content rất quan trọng đối với các chiến dịch marketing, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Tôi xin được nêu ra vài ví dụ để bạn đọc suy ngẫm:

  • Một người đang bị ốm, họ biết chỉ mình bạn có thuốc chữa. Vậy bạn có cần content để bán hàng không? Thiết nghĩ bạn chỉ cần ra giá là đủ.
  • Một người chọn sản phẩm của bạn, nhưng không phải vì những nội dung mà bạn muốn họ tiếp thu, mà vì người thân của họ mua sản phẩm của bạn. Vậy vai trò trực tiếp của content trong trường hợp này là gì?

Lời kết

Có thể đọc tới đây, mỗi người đã có suy nghĩ khác nhau về câu trích dẫn “Content is King” nổi tiếng trong giới content marketing. Dù đồng ý hay bác bỏ, thì chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của nội dung trong các chiến dịch truyền thông tiếp thị. Hy vọng bài viết này hữu ích và hãy cho tôi biết ý kiến của bạn ở dưới comment nhé.

Đọc thêm các bài cùng chủ đề:

Content Marketing